phone
CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ ĐỨC LƯƠNG
HOTLINE 0913 992 780

Miếng ghép còn thiếu ở Vietcombank năm 2018

Chỉ tiêu lợi nhuận 12.000 tỷ năm nay của Vietcombank có tiềm năng vượt xa, khi không thể trích lập thêm dự phòng được nữa, vì đến cuối 2017 đã lên tới trên 130% tổng dư nợ xấu, mà nợ xấu đã giảm xuống rất thấp với 1,1%.

Cuối tuần qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2018. Những bước đi mới đã định hình.

Với hơn 11.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 2017, Vietcombank đã trở lại dẫn đầu toàn hệ thống một cách cách biệt, sau quãng hụt hơi từ giai đoạn 2011.

Nhưng nếu để ý thì thấy, năm vừa qua ngân hàng này tăng trưởng tín dụng khá khiêm tốn, chỉ 17,2% trong khi chỉ tiêu cho phép tới 18% và nguồn vốn khá dồi dào, tỷ lệ sử dụng vốn chỉ khoảng hơn 72%.

Năm 2018, bước đầu Vietcombank đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ 16%. Điểm để ý trên càng được chú ý.

Một nhà băng dồi dào vốn, giá vốn đầu vào thấp, nhưng tín dụng lại không đẩy mạnh như nhiều thành viên khác, trong khi tín dụng vẫn là kênh tạo lãi chủ đạo của toàn hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam. Miếng ghép cho tăng trưởng mạnh hơn nữa nằm ở đây.

Vietcombank khó đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vì giới hạn tỷ lệ an toàn vốn (CAR), do khó tăng vốn điều lệ suốt hai năm qua. CAR càng trở nên áp lực khi thực hiện Basel 2, dù mọi nền tảng, điều kiện khác họ đã sẵn sàng để áp dụng - theo khẳng định của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nghiêm Xuân Thành.

Để bù đắp miếng ghép còn thiếu trên, năm 2016 Vietcombank đã phải huy động lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài để cải thiện vốn cấp 2, nâng hệ số CAR. Và năm 2017, họ tiếp tục phải huy động thêm 5.000 tỷ đồng trái phiếu nữa.

Vietcombank không thiếu tiền, nhưng thiếu vốn dạng không phải vay mượn. Phải huy động lượng lớn trái phiếu hai năm qua là bất đắc dĩ, do lãi suất huy động loại này cao, trong khi ngân hàng thừa vốn huy động có lãi suất thấp nhất trên thị trường.

Giải pháp đã triển khai là bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, với khoảng 7% cho quỹ GIC (Singapore), và theo đó đối tác hiện có Mizuho cũng sẽ rót thêm vốn để cân đối tỷ lệ sở hữu. Nhưng 2017 đã trôi qua, kế hoạch bán cho GIC coi như không thể hiện thực, dù quỹ đầu tư này vẫn theo đuổi.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, Nhà nước đang nắm tỷ lệ sở hữu chi phối và có định hướng giảm ở mức độ cho phép tại Vietcombank, để tăng vốn điều lệ cải thiện tỷ lệ CAR nói trên, bán cho nhà đầu tư nước ngoài là hướng khả dĩ nhất. Vì bán lô lớn, trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, cùng với yêu cầu "tiền tươi", "tiền thịt".

Sau thương vụ với GIC không thành, Vietcombank mất thêm một năm nữa để xây dựng và xin cơ chế, xong cấp Chính phủ còn phải chờ cấp quản lý trực tiếp… Và mới đây, theo thông tin tại hội nghị triển khai kế hoạch 2018 nói trên, Chính phủ đã duyệt và Ngân hàng Nhà nước cũng đã gật đầu.

Đây là kế hoạch lớn, có tính nội bộ trước khi công bố và triển khai trên thị trường. Nhưng tinh thần chung, có thể định hình trước: Vietcombank sẽ phát hành riêng lẻ 10% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy, có thể hiểu, khi cơ chế đã duyệt, ngân hàng này sẽ không giới hạn lựa chọn bán cho GIC như trước, mà mở rộng việc chào bán. Điều này mở rộng cơ hội thành công cũng như thu hút nhà đầu tư tốt hơn.

Vấn đề là giá bán. Bán thế nào để không thất thoát tài sản Nhà nước, thế nào để có thặng dư xứng đáng và giá trị… Theo đó, nhiều khả năng giá bán đã được duyệt trong cơ chế, dĩ nhiên sẽ không thấp hơn mức định giá của tổ chức độc lập và so sánh với mức bình quân số phiên giao dịch trên sàn.

Cơ chế mới đã linh hoạt và mở rộng hơn, Vietcombank có cơ hội để sớm hoàn thiện miếng ghép còn lại cho yêu cầu tăng trưởng và bứt phá từ 2018. Vì mọi cái ở đây, theo như Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nghiêm Xuân Thành khẳng định, đã sẵn sàng cho giai đoạn mới, chỉ chờ tăng vốn xong, CAR đảm bảo, vận hành theo Basel 2 và chạy.

Đó là miếng ghép hoàn hảo cho giai đoạn mới của Vietcombank, xác định ở các trục chính: ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy bán lẻ - hướng đi tạo đột biến lợi nhuận năm qua; tăng cường nguồn thu phí dịch vụ qua phát triển và đa dạng hơn các sản phẩm phi tín dụng; thúc đẩy hoạt động đầu tư khi hở "room"…

Ở hoạt động đầu tư, chính miếng ghép tăng vốn thành công sẽ tạo thêm dư địa để ngân hàng này sử dụng vốn. Cùng đó, việc thoái vốn tại một loạt tổ chức cuối 2017 đầu 2018 càng tạo thêm "room" cho hoạt động này. Và chính kế hoạch thoái vốn đầu 2018 này dự kiến sẽ tạo cú hích lợi nhuận tại Vietcombank mạnh ngay từ đầu năm.

Lợi nhuận năm nay Vietcombank đặt chỉ tiêu 12.000 tỷ đồng, nhỉnh hơn chút so với mức 11.000 tỷ đồng năm qua.

Chỉ tiêu đó có tiềm năng vượt xa, khi tại hội nghị trên lãnh đạo Vietcombank nói rằng họ không thể trích lập thêm dự phòng được nữa, vì đến cuối 2017 đã lên tới trên 130% tổng dư nợ xấu, mà nợ xấu đã giảm xuống rất thấp với 1,1%. Nói cách khác, từ 2018 sẽ phải ghi nhận lợi nhuận một cách trực tiếp hơn nữa.

Và với miếng ghép tăng vốn thành công, thậm chí ngay những tháng đầu năm 2018, cỗ máy Vietcombank gần như không còn điểm khuyết níu kéo đáng kể như thời gian qua nữa, để tăng tốc nhanh và mạnh hơn.

(vneconomy.vn)

Các tin khác :